Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Trung Quốc xây dựng nhà máy xử lý uranium ở Quảng Đông

Nhiều chuyên gia hạt nhân, các nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi chính quyền tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về đề xuất xây dựng nhà máy xử lý uranium ở thành phố Giang Môn.

Vị trí thành phố Giang Môn thuộc tỉnh Quảng Đông
Vị trí thành phố Giang Môn thuộc tỉnh Quảng Đông
Theo tin từ tờ Thanh niên, ngày 10/7, South China Morning Post dẫn thông báo của Phòng Phát triển và Cải cách thành phố Giang Môn cho hay nhà máy trên diện tích 230 héc ta tại đây sẽ thực hiện việc chuyển đổi, làm giàu và sản xuất uranium.
Tuy nhiên, trong thông báo này, Phòng Phát triển và Cải cách thành phố Giang Môn không nói rõ liệu nhà máy có thực hiện việc tái xử lý nhiên liệu qua sử dụng hay không.
Các chuyên gia cho biết, việc tái xử lý nhiên liệu qua sử dụng vốn có thể phát ra các lượng phóng xạ cao và chính quyền thành phố Giang Môn cũng không cho biết các biện pháp nào sẽ được áp dụng để tránh rò rỉ phóng xạ.
Mặc dù nhà chức trách khẳng định lượng phóng xạ ảnh hưởng đến các công nhân tại nhà máy chỉ tương đương với lượng phóng xạ khi chụp X-quang.
Tuy nhiên, các chuyên gia hạt nhân và nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi chính quyền tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về đề xuất xây dựng nhà máy xử lý uranium ở thành phố Giang Môn.
“Lo ngại của tôi là các biện pháp bảo vệ nghèo nàn sẽ dẫn đến ô nhiễm các dây chuyền thực phẩm bởi việc rò rỉ bụi uranium”, tiến sĩ Lục Bỉnh Lâm, cựu chủ tịch Trung tâm Hạt nhân thuộc Viện Kỹ sư Hồng Kông cho biết.
Ông Lục cũng nói thêm: Bụi uranium có thể gây ung thư máu nếu được hấp thu vào cơ thể người. Bên cạnh đó, “Việc xây nhà máy trong một khu công nghiệp thay vì một khu vực hẻo lánh có thể đặt ra những vấn đề an ninh. Sẽ như thế nào nếu uranium bị đánh cắp và bán để chế tạo bom bẩn?”
Cũng theo ông Lục, nhà máy có vẻ như sẽ xử lý uranium tự nhiên, vốn có thể phát ra phóng xạ tương đối cao so với đá granite.
“Tuy nhiên, chúng ta không thể chắc chắn 100% dựa vào lượng thông tin hạn chế mà chính quyền cung cấp”, ông Lục nói.
Phòng Phát triển và Cải cách thành phố Giang Môn đang tổ chức 10 ngày lấy ý kiến nhân dân trong tuần này và ông Lục thúc giục chính quyền hãy tỏ ra minh bạch hơn nữa bằng cách mời các giáo sư đến thăm nhà máy và lập cơ quan theo dõi an toàn tại đây.
Nhà vận động bảo vệ môi trường thuộc tổ chức Hòa bình xanh Cổ Vĩ Mục nói nhà máy sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến Hồng Kông, vốn cách đó khoảng 100 km, song bày tỏ lo ngại phóng xạ có thể sẽ nhiễm vào thực phẩm.
Trước đó, hồi đầu năm 2011, Trung Quốc cũng dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam.
Theo đó, Trung Quốc sẽ tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Phong Thành, trên bờ biển Vịnh Bắc Bộ, cách thị xã Móng Cái khoảng 60 km về phía Đông.
Dự kiến tại đây sẽ có sáu lò phản ứng (giai đọan đầu hai lò) loại nước ép, công suất mỗi lò 1080 mê ga oát (MW), theo công nghệ CPR-1000 thuộc thế hệ II+, nguyên bản từ công nghệ Pháp - Mỹ đã hoàn thiện từ những năm tám mươi thế kỷ trước, nhưng được Trung Quốc nội địa hóa đến hơn 80%.
Xung quanh dự án này, nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại trước những ảnh hưởng mà Việt Nam có thể phải hứng chịu từ lượng khí phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét