Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Đại gia "thực phẩm chức năng" giành giật thị trường

 Cuộc hợp phân chia thị trường đã được diễn ra với những "ông lớn" phân chia thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam

Thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam nhiều năm qua đi giữa ranh giới bóng tối và ánh sáng khi hầu hết sản phẩm gắn liền với hình thức phân phối bán hàng đa cấp chịu nhiều tai tiếng.
Song, tình hình đã thay đổi khi lần đầu tiên, các hãng thực phẩm chức năng tại Việt Nam chịu “xuất đầu lộ diện” trong một sự kiện chính thức do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức vào đầu quý III/2013 tại Hà Nội trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Thực phẩm chức năng quốc tế Việt Nam 2013 (I3F Việt Nam 2013).
Tại đây, các hãng thực phẩm chức năng lớn như Tiens, Vison, Loocen, Tân Hiệp Phát… sẽ cùng xuất hiện và phân chia “miếng bánh” thị trường với hơn 1.000 công ty khác đang có các sản phẩm thực phẩm chức năng cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Trở lại câu chuyện về thị trường thực phẩm chức năng, theo tài liệu do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cung cấp, thực phẩm chức năng du nhập vào Việt Nam qua con đường nhập khẩu từ cuối những năm 1990. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2012 là thời kỳ phát triển bùng nổ về số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, với số lượng từ 13 đơn vị, cung cấp 63 sản phẩm trong năm 2000 tăng lên 1.626 đơn vị với 3.721 sản phẩm vào năm 2010. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tính đến cuối 2012 là 1.552 cơ sở, với hơn 5.500 sản phẩm.
Thị trường thực phẩm chức năng dù có tốc độ tăng trường chóng mặt cả về cơ sở sản xuất, kinh doanh, số lượng sản phẩm, nhưng vẫn luôn bị dư luận nhìn nhận với con mắt e ngại.
Ông Lý Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Tiens khu vực châu Á, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tiens Việt Nam, từ nhiều năm nay, thực phẩm chức năng đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, có một số nhà phân phối vì chạy theo lợi nhuận quá mức đã vô tình hoặc cố ý thổi phồng công dụng sản phẩm thực phẩm chức năng, khiến dư luận xã hội “ác cảm” với hình thức bán hàng và ghét lây các sản phẩm.
Lý giải vấn đề này, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, câu chuyện về thực phẩm chức năng tại Việt Nam vốn đã bị hiểu sai ngay từ đầu, khi những sản phẩm đầu tiên du nhập vào Việt Nam qua con đường nhập khẩu, các công dụng đã không được chuyển ngữ (dịch) một cách đầy đủ.
Thực phẩm chức năng, theo ông Trần Đáng, về bản chất là thực phẩm. “Nó cũng như bát cháo gà cho người ốm. Thực phẩm chức năng giúp tăng cường sức khoẻ, giảm nguy cơ và tác hại của nhiều bệnh tật và làm đẹp, chứ không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Ngày xưa, kinh tế khó khăn, chỉ ốm mới được bồi bổ cháo gà, thì nay mọi người có thể ăn cháo gà thường xuyên để tăng cường sức khoẻ. Đó là điều hết sức bình thường”, ông Đáng nói và cho rằng, việc các sản phẩm thực phẩm chức năng thường gắn với hình thức bán hàng đa cấp là do đặc thù của sản phẩm này.
Cũng theo số liệu do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam công bố, chỉ tính những người sử dụng thực phẩm chức năng qua kênh bán hàng đa cấp, năm 2005 có khoảng 1 triệu người ở 23 tỉnh, thành phố sử dụng. Đến năm 2010, con số này là 5,7 triệu người (chiếm 6,5% dân số) ở 63 tỉnh, thành phố. Kết quả điều tra do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tiến hành cho biết, năm 2011, ở TP.HCM có 43% số người trưởng thành và ở Hà Nội có 63% số người trưởng thành có sử dụng thực phẩm chức năng.
Sức hấp dẫn của thị trường thực phẩm chức năng không chỉ thể hiện qua số lượng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tăng chóng mặt. Đặc biệt, các công ty dược, thực phẩm chức năng dường như là “chiếc máy in tiền” khi hàng loạt tên tuổi trong ngành dược, như Domesco Đồng Tháp, Dược Việt Nam, Dược Hà Tây, Nam Dược, Sao Thái Dương… cũng tham gia thị trường này.
Quang Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét