Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đi tìm hướng đi

   Theo ước tính, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở nước ta chiếm khoảng 97% tổng số DN đăng ký thành lập, thu hút trên 50% lao động xã hội và đóng góp tới 40% cho GDP cả nước. Số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện nay chỉ có hơn 6% DNNVV hoạt động kinh doanh đã diễn ra như mong muốn, hơn 19% hòa vốn và gần 22% bị thua lỗ.
         Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách về DNNVV được ban hành nhưng tại các đô thị của nhiều tỉnh, thành những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động quản trị địa phương đối với DNNVV vẫn đang tạo ra những cản trở đối với việc phát triển của các DNNVV.
         Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là từ đâu? Trước bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều biến động và khó khăn, các DNNVV phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro do thiếu vốn, nguồn nhân lực hạn chế, chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm, chính sách thay đổi… Theo TS. Hà Quang Ngọc - Phó Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, khó khăn lớn nhất đối với các DNNVV tại các địa phương là việc tiếp cận vốn và việc tiếp cận thông tin dẫn tới khó thiết lập và mở rộng hợp tác với các DN lớn và DN nước ngoài. Một phần nguyên nhân của vấn đề này do một số chính sách của Trung ương hỗ trợ DN triển khai tại địa phương còn chậm, việc ban hành và công khai các quy hoạch triển khai còn chưa kịp thời.
         Tại nhiều địa phương, sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác nắm tình hình, theo dõi, quản lý hoạt động và phối hợp kiểm tra, giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN trong quá trình hoạt động còn hạn chế, bất cập. Một số cơ chế, chính sách do địa phương ban hành vẫn chưa thật sự đủ mạnh và đóng vai trò làm đòn bẩy kích thích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân và DNNVV phát triển....
         Những hạn chế trên trong vấn đề quản trị địa phương khiến cho các DNNVV vốn đã yếu thế về quy mô và tiềm lực tài chính cứ mãi loay hoay tìm đường phát triển và khó ổn định, hạn chế sự phát triển kinh tế của địa phương.
Tăng cường quản trị địa phương- chìa khóa thành công
         Việc tăng cường quản trị địa phương để hỗ trợ hoạt động cho các DN sẽ là một động lực lớn giúp các DN phát triển. Chia sẻ vấn đề này, GS.TS Nguyễn Lân- nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam- cho biết: Tăng cường quản trị địa phương không phải là cải cách chính quyền đô thị mà tập trung vào việc tăng cường quản trị nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho việc hỗ trợ các DNNVV ở các đô thị điểm phát triển, để qua đó thúc đẩy kinh tế của các đô thị phát triển.
         Ông Phạm Hoàng Tiến- Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNVVN của VCCI- cũng cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi thì chính quyền địa phương cần nhanh chóng tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, sớm thanh toán các khoản nợ đối với DN, đồng thời có các biện pháp củng cố hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương và đa dạng hóa các hình thức thế chấp, tín chấp, tạo điều kiện cho các DNNVV được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn.
        Ông Tiến đề xuất, trong quản trị, các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính cho DN, tạo sự công bằng cho DN trong tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính từ đó tạo ra cơ hội, sức cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng thúc đẩy phát triển DN.
         Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên khuyến khích tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, DN để tiếp cận, tìm hiểu, giải đáp, tháo gỡ và kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, xây dựng giá đất hàng năm phù hợp với thị trường và từng vùng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thực hiện bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư và cho DN thuê...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét